Menu

Thông báo

preview

Tôn chỉ & Mục đích

Tạp chí Kinh tế - Luật và Ngân hàng (Journal of Economic - Law and Banking - JELB) tiền thân là Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng trực thuộc Học viện Ngân hàng với hai phiên bản: Phiên bản tiếng Việt có tên là Tạp chí Kinh tế - Luật và Ngân hàng, ISSN 3030-4199 và phiên bản tiếng Anh có tên là Journal of Economic and Banking Studies, ISSN 2734-9853.

Tạp chí công bố các nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn đa dạng, với ưu tiên nhưng không giới hạn ở các lĩnh vực kinh tế, luật, ngân hàng, tài chính, kinh doanh, quản lý, công nghệ và giáo dục. Tạp chí hướng tới trở thành kênh giao tiếp học thuật có uy tín trên toàn cầu và là cơ sở dữ liệu tham khảo, trích dẫn cho các nghiên cứu tương lai.

Bài viết gửi đến Tạp chí được quản lý trên hệ thống trực tuyến, phản biện kín hai chiều bởi các nhà khoa học có uy tín, cùng với quy trình xét duyệt minh bạch, chặt chẽ, đảm bảo công bố kịp thời các bài báo có chất lượng theo chuẩn quốc tế.

Tạp chí kỳ vọng nhận được các nghiên cứu với các phân tích cẩn trọng dựa trên khung lý thuyết đáng tin cậy, các bằng chứng nghiên cứu thực nghiệm theo thông lệ quốc tế, và có các khuyến nghị đề xuất chính sách hoặc hàm ý quản trị cho các bên liên quan.

Các bài báo vừa xuất bản

Hoàn thiện pháp luật về mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá – Kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị cho Việt Nam
TS. Lê Ngọc Thắng - HVNH
Bản điện tử: 18/06/2025 | DOI:
Tóm tắt

Hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa (SGDHH) đã và đang khẳng định vai trò quan trọng đối với mỗi quốc gia. Vượt ra ngoài chức năng sơ khai là nơi tập trung giao dịch hàng hóa vật chất, SGDHH với các công cụ phái sinh như hợp đồng tương lai và quyền chọn đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, xác định tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá, định giá và quản trị rủi ro giá cả minh bạch và hiệu quả, đồng thời cung cấp một kênh đầu tư thay thế hấp dẫn.

Kinh tế tư nhân tại Việt Nam nhìn từ góc độ chính sách
Bùi Hữu Toàn
Bản điện tử: 18/06/2025 | DOI:
Tóm tắt

Hành trình chuyển mình của Việt Nam từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là câu chuyện về sự kiên định, đổi mới và khát vọng vươn lên của cả dân tộc. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân đã nổi lên như một biểu tượng sống động của tinh thần doanh nhân và sức mạnh nội sinh. Từ những ngày đầu Đổi Mới năm 1986, khi kinh tế tư nhân còn bị kìm hãm bởi định kiến, tư duy bao cấp và những rào cản thể chế khắc nghiệt, hàng triệu doanh nhân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn để khẳng định vai trò không thể thay thế. Với đóng góp hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tạo việc làm cho hơn 80% lực lượng lao động và chiếm hơn 30% tổng thu ngân sách, kinh tế tư nhân không chỉ là một thành phần kinh tế mà đã trở thành mạch máu chính của sự phát triển đất nước. Sự ra đời của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị, với tuyên ngôn xác lập kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong tư duy chính sách. Văn kiện này không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực bền bỉ của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, mở ra một không gian phát triển mới để kinh tế tư nhân bứt phá, dẫn dắt Việt Nam tiến tới mục tiêu trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng, sánh vai cùng các cường quốc trên trường quốc tế.

Các yếu tố tác động đến sự sẵn sàng khởi nghiệp của phụ nữ Việt Nam: Vai trò điều tiết của Đề án Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025”
Nguyễn Hùng Cường
Bản điện tử: 18/06/2025 | DOI:
Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự sẵn sàng khởi nghiệp của phụ nữ Việt Nam và kiểm định vai trò điều tiết của Đề án 939 (2017–2025). Trên cơ sở lý thuyết nhận thức xã hội và mô hình của Olugbola (2017), mô hình nghiên cứu gồm bốn yếu tố tác động trực tiếp (động lực, nhận biết cơ hội, nguồn lực, năng lực khởi nghiệp) và yếu tố điều tiết từ Đề án 939. Khảo sát được thực hiện toàn quốc, thu được 595 phiếu, xử lý bằng EFA, CFA và SEM với 404 quan sát hợp lệ qua SPSS 27.0 và AMOS 27.0. Kết quả cho thấy nhận biết cơ hội, năng lực khởi nghiệp và động lực có ảnh hưởng tích cực đến sự sẵn sàng khởi nghiệp, trong đó nhận biết cơ hội là yếu tố mạnh nhất. Đề án 939 thể hiện vai trò điều tiết tích cực: “thông tin tuyên truyền tạo cảm hứng” làm tăng tác động của năng lực khởi nghiệp; “tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp” làm tăng tác động của nguồn lực. Nghiên cứu đóng góp vào lý thuyết bằng cách bổ sung biến điều tiết từ chính sách công, đồng thời đề xuất các hàm ý về truyền thông, đào tạo, mở rộng nguồn lực và đề xuất cho Đề án 939 giai đoạn 2026–2035 nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp hiệu quả hơn trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Chuyển đổi số và rủi ro tài chính tại các ngân hàng thương mại: Bằng chứng thực nghiệm từ các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Bùi Huy Trung
Bản điện tử: 18/06/2025 | DOI:
Tóm tắt

Nghiên cứu này phân tích tác động của chuyển đổi số đến rủi ro tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam, trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang thúc đẩy ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Trên cơ sở dữ liệu bảng của 22 ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2010- 2023, nghiên cứu áp dụng phương pháp hồi quy Moment tổng quát hệ thống (System GMM). Mức độ chuyển đổi số được đo lường thông qua kỹ thuật phân tích nội dung dựa trên báo cáo thường niên của các ngân hàng. Rủi ro tài chính được tiếp cận trên ba khía cạnh chính: rủi ro vỡ nợ, rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản. Kết quả thực nghiệm cho thấy chuyển đổi số có tác động tích cực đến việc giảm thiểu rủi ro vỡ nợ và rủi ro tín dụng, nhưng đồng thời có thể làm gia tăng rủi ro thanh khoản nếu không đi kèm với các biện pháp kiểm soát thích hợp. Từ các kết quả thực nghiệm, nghiên cứu đưa ra hàm ý rằng việc hoàn thiện khung pháp lý chuyên biệt cho ngân hàng số, cùng với phát triển hệ thống giám sát rủi ro thời gian thực và tích hợp chuyển đổi số vào chiến lược quản trị rủi ro nội tại, là yếu tố then chốt để nâng cao an toàn hệ thống và định hướng chính sách phát triển ngân hàng số bền vững tại Việt Nam.

Tác động của chuyển đổi số đến hoạt động tín dụng của các NHTM
Phạm Thu Thuỷ,Bùi Thị Ngọc H
Bản điện tử: 18/06/2025 | DOI:
Tóm tắt

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các ngân hàng đang chuyển đổi số mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong hoạt động tín dụng, chuyển đổi số góp phần mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng, tự động hoá quy trình tín dụng và nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro. Bài viết ứng dụng các mô hình hồi quy OLS, FEM, REM, FGLS để phân tích tác động của chuyển đổi số (thông qua chỉ số ICT) tới hoạt động tín dụng dưới góc nhìn tăng trưởng tín dụng và quản trị rủi ro, sử dụng bộ dữ liệu bảng thu thập từ 20 ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất Việt Nam trong giai đoạn 2011-2023. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng chuyển đổi số không có tác động có ý nghĩa tới rủi ro tín dụng nhưng có tác động tích cực tới tăng trưởng tín dụng. Nghiên cứu đã khẳng định vai trò của chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng của ngân hàng, từ đó hàm ý một số khuyến nghị về phát triển hoạt động tín dụng ngân hàng trong thời đại số.

Quyền miễn trách nhiệm

Thông tin và nội dung được giới thiệu trong các ấn phẩm của JELB phản ánh quan điểm của tác giả và cộng sự. Vì vậy, JELB không chịu trách nhiệm đối với những sai sót và hệ quả phát sinh từ vấn đề sử dụng thông tin trong các bài viết.

JELB không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý về sự sai sót và thiếu chính xác của các dữ liệu, thông tin, đánh giá, hay nhận định bắt nguồn từ độ tin cậy của thông tin cũng như quan điểm được thể hiện trong các bài viết.