Menu

Thông báo

preview

Tôn chỉ & Mục đích

Tạp chí Kinh tế - Luật và Ngân hàng (Journal of Economic - Law and Banking - JELB) tiền thân là Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng trực thuộc Học viện Ngân hàng với hai phiên bản: Phiên bản tiếng Việt có tên là Tạp chí Kinh tế - Luật và Ngân hàng, ISSN 3030-4199 và phiên bản tiếng Anh có tên là Journal of Economic and Banking Studies, ISSN 2734-9853.

Tạp chí công bố các nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn đa dạng, với ưu tiên nhưng không giới hạn ở các lĩnh vực kinh tế, luật, ngân hàng, tài chính, kinh doanh, quản lý, công nghệ và giáo dục. Tạp chí hướng tới trở thành kênh giao tiếp học thuật có uy tín trên toàn cầu và là cơ sở dữ liệu tham khảo, trích dẫn cho các nghiên cứu tương lai.

Bài viết gửi đến Tạp chí được quản lý trên hệ thống trực tuyến, phản biện kín hai chiều bởi các nhà khoa học có uy tín, cùng với quy trình xét duyệt minh bạch, chặt chẽ, đảm bảo công bố kịp thời các bài báo có chất lượng theo chuẩn quốc tế.

Tạp chí kỳ vọng nhận được các nghiên cứu với các phân tích cẩn trọng dựa trên khung lý thuyết đáng tin cậy, các bằng chứng nghiên cứu thực nghiệm theo thông lệ quốc tế, và có các khuyến nghị đề xuất chính sách hoặc hàm ý quản trị cho các bên liên quan.

Các bài báo vừa xuất bản

Khung Pháp Lý Thúc Đẩy Tài Chính Xanh: Bài Học Kinh Nghiệm Quốc Tế, Thực Trạng và Giải Pháp Hoàn Thiện Cho Việt Nam
Bùi Hữu Toàn
Bản điện tử: 07/07/2025 | DOI:
Tóm tắt

Bài nghiên cứu cung cấp bức tranh tổng quan về khung pháp lý liên quan đến Tài chính xanh trên thế giới dựa trên hai trụ cột: (1) Khung pháp lý chung thúc đẩy tăng trưởng xanh; (2) Khung pháp lý về tài chính khí hậu. Trên cơ sở tổng kết các chuẩn mực quốc tế nổi bật—như hệ thống phân loại xanh đồng bộ với báo cáo ESG và quản trị rủi ro khí hậu, nguyên tắc trái phiếu xanh, tín dụng xanh, cơ chế thị trường tín chỉ carbon và các cơ chế ưu đãi phát hành công cụ tài chính xanh—bài nghiên cứu tiến hành đối chiếu và đánh giá thực trạng khung pháp lý tài chính xanh tại Việt Nam. Dựa trên phân tích học thuật và so sánh với chuẩn mực toàn cầu, bài nghiên cứu đề xuất các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của khung pháp lý, từ đó giúp Việt Nam thực thi cam kết khí hậu đến năm 2030 và huy động tối đa nguồn vốn xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Vai trò của kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc: Từ kinh nghiệm của Trung Quốc đến bài học cho Việt Nam
Trần Việt Dũng, Trương Hoàng Diệp Hương,Đỗ Mai Linh
Bản điện tử: 07/07/2025 | DOI:
Tóm tắt

Phát triển kinh tế tư nhân là một chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của khu vực này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện chủ trương này, kinh tế tư nhân đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Bài viết sử dụng phương pháp tổng hợp, phân tích các chuyên đề nghiên cứu, báo cáo thứ cấp để nghiên cứu kinh nghiệm Trung Quốc trong việc hỗ trợ kinh tế tư nhân, khái quát về hành trình phát triển của kinh tế tư nhân trong 40 năm đổi mới, với những đóng góp thiết thực vào GDP, ngân sách nhà nước, đầu tư xã hội và giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, từ đó đề xuất các giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục phát huy vai trò của khu vực này trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, như hoàn thiện thể chế, ưu tiên phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh cải cách hành chính, giải phóng nguồn lực và xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ toàn diện.

Phân tích trắc lượng thư mục yếu tố nội sinh thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và một số hàm ý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam
Lê Thị Thu Hà, Cao Hải Vân
Bản điện tử: 07/07/2025 | DOI:
Tóm tắt

Dựa trên cách tiếp cận về nguồn lực (Resource-Based View), bài nghiên cứu sử dụng phương pháp trắc lượng thư mục khoa học nhằm phân tích sự đồng xuất hiện của các từ khóa liên quan đến chủ đề nhằm xây dựng một khung lý thuyết về các yếu tố nội sinh thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, trong đó tập trung vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Việt Nam. Qua việc phân tích tổng quan 378 tài liệu khoa học từ cơ sở dữ liệu Web of Science, nghiên cứu đã nhận diện và phân tích sáu cụm chủ đề chính bao gồm: đặc điểm chung của doanh nghiệp; định hướng chiến lược; văn hóa tổ chức; đội ngũ quản lý và lãnh đạo; nguồn lực nghiên cứu và khả năng hấp thụ tri thức; và hoạt động đổi mới sáng tạo mở. Bài viết nhấn mạnh sự khác biệt trong cách tiếp cận khi sử dụng phương pháp trắc lượng thư mục để hệ thống hóa khung lý thuyết về năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu gợi mở một số hướng đi mới cho các nghiên cứu ứng dụng nhằm cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thực trạng phát triển du lịch ở Thành phố Huế
Nguyễn Hồ Minh Trang
Bản điện tử: 07/07/2025 | DOI:
Tóm tắt

Phát triển du lịch không chỉ là một xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa mà còn đóng vai trò là động lực chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, du lịch còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững. Trong những năm gần đây, ngành du lịch tại thành phố Huế (TP Huế) đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế địa phương. Dựa trên phân tích dữ liệu thứ cấp từ các báo cáo chính thống và bộ dữ liệu sơ cấp thu thập thông qua khảo sát du khách, nghiên cứu này đánh giá thực trạng phát triển du lịch TP Huế trong giai đoạn 2021-2023. Bằng cách áp dụng mô hình hồi quy tuyến tính, bài viết xác định các nhân tố chủ chốt tác động đến sự phát triển du lịch của địa phương, từ đó cung cấp cơ sở khoa học để đề xuất các chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa hiệu quả khai thác tài nguyên du lịch và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch TP Huế trong dài hạn.

Tác động của chuyển đổi số đến hoạt động thương mại Việt Nam
Mai Hương Giang ,Phạm Phương Anh ,Hoàng Thị Thục Nguyên ,Trần Thị Thu Hà ,Đào Mai Hương ,Bùi Thị Vân Anh
Bản điện tử: 07/07/2025 | DOI:
Tóm tắt

Nghiên cứu này đánh giá tác động của chuyển đổi số đến hoạt động thương mại của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Sử dụng mô hình trọng lực mở rộng dựa trên dữ liệu bảng của 49 quốc gia trong giai đoạn 2007–2022, nghiên cứu phân tích mối quan hệ giữa các biến phản ánh mức độ chuyển đổi số và các biến phản ánh hiệu quả hoạt động thương mại. Kết quả nghiên cứu cho thấy chuyển đổi số có tác động tích cực đến hoạt động thương mại, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của các thành phần chuyển đổi số bao gồm Chính phủ điện tử , Kinh tế số và Xã hội số đến thương mại có sự khác biệt. Những phát hiện này có ý nghĩa trong việc đưa ra các khuyến nghị chính sách đối với việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động thương mại, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Quyền miễn trách nhiệm

Thông tin và nội dung được giới thiệu trong các ấn phẩm của JELB phản ánh quan điểm của tác giả và cộng sự. Vì vậy, JELB không chịu trách nhiệm đối với những sai sót và hệ quả phát sinh từ vấn đề sử dụng thông tin trong các bài viết.

JELB không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý về sự sai sót và thiếu chính xác của các dữ liệu, thông tin, đánh giá, hay nhận định bắt nguồn từ độ tin cậy của thông tin cũng như quan điểm được thể hiện trong các bài viết.