03/03/2024
Tọa đàm JST tháng 6 với chủ đề: "Sự lan truyền về tâm lý lo ngại rủi ro: Bằng chứng từ thị trường tài chính và các thí nghiệm được kiểm soát": 08/06/2021
Tọa đàm JST 2021 tháng 6 là hoạt động tiếp theo nằm trong chuỗi Hội nghị chuyên đề “Kinh tế và Kinh doanh: Hội nghị về sự bất ổn toàn cầu” (Economics and Business: Agendas for the Uncertain World). Buổi tọa đàm đã diễn ra vào ngày 08/6/2021 do Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á (JABES) - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức. Tại đây, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã được lắng nghe diễn giả khách mời Tiến sĩ Nancy R. Xu trình bày và cùng thảo luận về chủ đề “Sự lan truyền về tâm lý lo ngại rủi ro: Bằng chứng từ thị trường tài chính và các thí nghiệm được kiểm soát”.
Nhằm định hướng các chủ đề nghiên cứu thích hợp và hữu ích trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á (JABES) duy trì tổ chức định kỳ hằng tháng chuỗi tọa đàm khoa học quốc tế (JABES Seminar Talks – JST) liên quan đến kinh tế và kinh doanh. Ngày 08/6/2021, buổi tọa đàm JST 2021 tháng 6 đã được tổ chức với sự trình bày của diễn giả khách mời là TS. Nancy R. Xu cùng sự tham dự đông đảo cộng đồng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ 20 quốc gia (bao gồm: Việt Nam, Anh, Đức, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, Úc, Brunei, Indonesia, Malaysia, Đài Loan, Philippines, Campuchia, Bangladesh, Zimbabwe, Pakistan, Bulgaria, Sri Lanka) thông qua nền tảng Zoom.
- Nancy R. Xu có các bài nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí hàng đầu như Journal of Financial Economics, Management Science, đặc biệt với chỉ số “US Risk Aversion Index”. Các nghiên cứu của TS. Nancy R. Xu tập trung vào việc xác định các động lực của sự e ngại rủi ro (cái giá phải trả của rủi ro) và những bất ổn kinh tế (lượng rủi ro gánh chịu) và ảnh hưởng của chúng đối với thị trường tài sản trong nước và quốc tế. Công việc gần đây của cô (tại Khoa học Quản lý) là phát triển một chỉ số e ngại rủi ro của Hoa Kỳ thay đổi theo thời gian được lọc từ một loạt các giá tài sản rủi ro ở Hoa Kỳ.
Tại buổi tọa đàm, TS. Nancy Xu trình bày nghiên cứu của cô và GS. Xing Huang (Trường Đại học Boston, Hoa Kỳ) trong bài nghiên cứu “Risk Aversion Propagation: Evidence from Financial Markets and Controlled Experiments” - một phân tích về lý do tại sao việc lo ngại rủi ro cục bộ có thể lan truyền từ Hoa Kỳ đến các nền kinh tế phát triển khác. Đây là một chủ đề nóng trong phân tích xu hướng tâm lý đầu tư nhằm xem xét khẩu vị rủi ro có thay đổi như thế nào theo thời gian. Nhiều nghiên cứu trước đây đã từng phân tích về khẩu vị rủi ro đối với bối cảnh quốc gia nhưng có rất ít bài nghiên cứu xem xét khẩu vị rủi ro đặt trong bối cảnh quốc tế. TS. Nancy R. Xu và cộng sự đã thực hiện thí nghiệm có kiểm soát (Controlled Experiments), và khai thác dữ liệu tin tức thị trường tài chính hằng ngày từ năm 2000 đến năm 2017. Đồng thời, bài nghiên cứu sử dụng phương sai phần bù rủi ro (Variance Risk Premium) như thước đo thực nghiệm về mức độ e ngại rủi ro hằng ngày. Phương sai phần bù rủi ro được định nghĩa là giá người mua sẵn sàng chi trả để có vị thế phòng ngừa rủi ro trước biến động của thị trường tương lai. Trong nghiên cứu này, TS. Nancy Xu xem xét liệu có thể định giá phần bù rủi ro như biến đại diện cho quốc tế đối với sự e ngại rủi ro của một quốc gia bởi vì nó cũng nói lên sự không chắc chắn của một quốc gia đó...
Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm người Hoa Kỳ có tâm lý e ngại rủi ro cao tác động vượt ra thế giới nhiều hơn những người có tâm lý e ngại rủi ro thấp, điều này làm cho hiện tượng lan truyền bất cân xứng của tâm lý lo ngại rủi ro ở Hoa Kỳ.
Trong nghiên cứu thí nghiệm, những người nước ngoài khi đứng trước cú sốc phá sản tài chính Hoa Kỳ do bất cân xứng có cảm xúc tiêu cực cao và có tâm lý ngại rủi ro cao hơn so với người Hoa Kỳ. Điểm đặc biệt trong bài nghiên cứu này là TS. Nancy R. Xu cùng cộng sự đã sử dụng phương pháp mồi (Priming Method) để phân tích sự lan truyền tâm lý lo ngại rủi ro.
Bản chất ngoại lai của các cú sốc tiêu cực có thể thay đổi cảm xúc nhiều hơn so với cú sốc tích cực, điều này dẫn tới việc lan truyền tâm lý lo ngại rủi ro bất cân xứng. Nghiên cứu cho thấy cảm xúc liên quan đến 20% sự bất đối xứng này.
Việc phân tích sự lan truyền của tâm lý lo ngại rủi ro cho thấy tầm quan trọng của tâm lý con người trong việc đưa ra quyết định tài chính, từ đó tác động đến nền kinh tế.
Cuối buổi tọa đàm, nhiều nhà nghiên cứu tham dự đã đặt ra nhiều câu hỏi và tham gia thảo luận với diễn giả xoay quanh vấn đề cú sốc đối với nhà đầu tư, các cú sốc tin tức chỉ xảy ra với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhưng đối với các nhà đầu tư lớn, họ chỉ quan tâm đến biến động con số thông qua dữ liệu trên máy tính, cũng như việc thực hiện mua bán chứng khoán thông qua máy tính. TS. Nancy R. Xu cho rằng các nhà đầu tư đều thực hiện mua bán, đầu tư chứng khoán sau khi xem xét dữ liệu. Tuy nhiên, tin tức cũng có vai trò đáng kể trong các quyết định đầu tư, ví dụ như tin tức về đại dịch COVID-19 có tác động rất lớn đến các thị trường tài chính trên toàn thế giới.
Một số hình ảnh tại Buổi tọa đàm:
ThS. Huỳnh Lưu Đức Toàn đại diện JABES chào mừng diễn giả TS. Nancy R. Xu tham gia Buổi tọa đàm JST tháng 6
- Nancy R. Xu gửi lời chào đến nhà nghiêncứu, nhà khoa học tham dự Buổi tọa đàm JST 2021 tháng 6
- Nancy R. Xu lần lượt trình bày các điểm chính của nghiên cứu
- Nguyễn Trọng Hoài gửi lời cảm ơn đến TS. Nancy R. Xu cùng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã nhiệt tình tham gia Buổi tọa đàm JST tháng 6
Ban tổ chức và các nhà nghiên cứu, nhà khoa học chụp ảnh cùng TS. Nancy R. Xu
Thông tin thêm
Tất cả các thông tin mới JABES và các sự kiện nổi bật như Hội thảo khoa học quốc tế ACBES, chuỗi Tọa đàm JST sẽ được cập nhật liên tục trên các kênh thông tin chính thức của JABES như sau:
JABES Facebook: https://www.facebook.com/jabes.ueh.edu.vn
JABES Website: http://www.jabes.ueh.edu.vn/
JABES on Emerald Group Publishing: https://www.emeraldgrouppublishing.com/journal/jabes
ACBES Website: https://acbes.ueh.edu.vn/
JABES Youtube: http://shorturl.at/jnoOR
Tin, ảnh: JABES